Đọc lịch sử Việt Nam, không mấy ai không biết Cựu hoàng Bảo Đại là ông vua cuối cùng của triều Nguyễn và cũng là ông vua chấm dứt thời quân chủ mấy ngàn năm ở Việt Nam ta. Tuy nhiên ít người biết ông vua cuối cùng nầy mang theo mình đến 6 con số 13 và năm 2013 nầy ông vừa tròn 100 tuổi (1913-2013).
Sao lại có chuyện lạ vậy? Tôi xin trả lời ngay sau đây.
1. Vĩnh Thụy/Bảo Đại sinh năm 1913
Theo Nguyễn Phúc Tộc Thế Phả (Thuận Hóa, 1995, tr.405), Cựu hoàng Bảo Đại có tên húy là Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy, sinh ngày 23 - 9 - Quý Sửu, nhằm ngày 22-10-1913, hoàng tử độc nhất của Hoằng Tông Tuyên Hoàng Đế (vua Khải Định) và Đoan Huy Hoàng thái hậu (Đức Từ Cung).
Đoan Huy Hoàng Thái hậu và Hoàng tử Vĩnh Thuy. Ảnh Le Dragon d’ Annam
2. Lên ngôi năm 13 tuổi
Năm 1922 ông được phong Hoàng Thái tử rồi được vua cha đưa đi du học Pháp. Tháng 11-1925 vua cha Khải Định mất, Hoàng tử Vĩnh Thụy về nước thọ tang. Ngày 8-1-1926, ông được triều đình tôn lên ngôi vua lấy niên hiệu là Bảo Đại, ở tuổi 13 (1913-1926).
Hoàng Thái tử Vĩnh Thụy ngày đăng quang Ảnh TL do NĐX sưu tập.
3. Ông vua Nguyễn thứ 13
Ông vua 13 tuổi Bảo Đại trở thành ông vua Nguyễn thứ 13:
1. Gia Long (1802-1819),
2. Minh Mạng (1820-1841),
3. Thiệu Trị (1841-1847),
4. Tự Đức (1847-1883),
5. Dục Đức (17-7 đến 20-7-1883)
6. Hiệp Hòa (6-1883 đến 11-1883)
7. Kiến Phúc (12-1883 đến 6-1884)
8. Hàm Nghi (8-1884 đến 7-1885)
9. Đồng Khánh (1885-1888)
Hoàng đế Bảo Đại (1926-1945). Ảnh Hué Cité Impériale du VietNam, Ed. Abbeville NY 1995
10. Thành Thái (1889-1907)
11. Duy Tân (1907-1916)
12. Khải Định (1916-1925) và
13. Bảo Đại (1926-1945).
4. Ngồi trên ngai vàng 13 năm
Lên ngôi xong, ông vua trẻ Bảo Đại trở lại Pháp tiếp tục du học. Năm 1932 học xong, ông trở về nước, chính thức ngồi trên ngai vàng trị nước. Đến năm 1945, sau 13 năm trị vì (1932-1945), ông thoái vị để ủng hộ Cách mạng Tháng 8/1945
5. Cựu hoàng Bảo Đại có 13 người con
Cựu hoàng Bảo Đại có nhiều vợ, ở đủ 3 miền: Miền Nam có Hoàng hậu Nam Phương, miền Trung (Huế) có bà “thứ phi” Lê Thị Phi Ánh; miền Bắc có bà “thứ phi” Bùi Mộng Điệp và bà Lý Lệ Hà, người Trung Quốc có bà Jenny Woong (Hoàng Tiểu Lan), người Lào có bà Công chúa Lào. Người Pháp, có ba bà: Vicky, Clément và Monique Baudot. Chỉ có 6 bà sinh được 13 người con theo thứ tự sau đây:
Hoàng hậu Nam Phương sinh 5 người: 2 hoàng tử [Bảo Long (1936), Bảo Thăng (1943) và 3 Công chúa [Phương Mai (1937), Phương Liên (1938), Phương Dung (1942);
Bà “thứ phi” Bùi Mộng Điệp sinh 3 người: 1 hoàng nữ [Phương Thảo (1946)] và 2 hoàng nam [Bảo Hoàng (1954-1955) và Bảo Sơn (1955-1987)]
Hoàng nam Bảo Sơn và Hoàng nữ Phương Thảo và thân phụ Bảo Đại tại Pháp. Ảnh của bà BMĐ.
Bà “thứ phi” Lê Thị Phi Ánh sinh 2 người: 1 hoàng nữ (Phương Minh) và 1 hoàng nam (Bảo Ân).
Hoàng nam Bảo Ân (2011). Ảnh NĐX
Bà vợ người Trung Quốc Jenny Woong sinh 1 hoàng nữ được Đức Từ Cung đặt tên là Phương An.
Hoàng nữ Phương An sống ở Hoa Kỳ. Ảnh TL của cô Sen - Phủ Kiên Thái Vương.
Bà vợ người Pháp Vicky sinh 1 hoàng nữ đặt tên Phương Từ.
Bà Công chúa Lào sinh 1 hoàng nữ tên Kim Dung. Ra đời ở Đà Lạt, mẹ mất vì tai nạn giao thông trên đèo Prenn, Kim Dung được một người Pháp đem qua Pháp nuôi, lớn lên lập gia đình với một thầy giáo người Pháp. Cách đây gần mười năm Kim Dung cùng chồng về dạy học ở Vien-tiane (Lào).
Kim Dung (phải) và con gái lai Pháp (trái) về hầu kỵ Cựu hoàng Bảo Đại tại Phủ Kiên Thái Vương, đường Phan Đình Phùng, Huế. Ảnh NĐX
6. Cựu hoàng qua đời, đưa xuống huyệt mộ lúc 13 giờ
Cựu hoàng Bảo Đại là vị vua sống lâu nhất của nhà Nguyễn. Ông qua đời vào lúc 5 giờ sáng ngày 31-7-1997 tại Quân y viện Val-de-Grâce, hưởng thọ 85 tuổi. Chết vì bị ứ nước trong màng phổi, xuất huyết thận và ung thư tụy tạng. Tang lễ được tổ chức hồi 11 giờ ngày 6-8-1997 tại nhà thờ Saint Pierre de Chaillot. Sau 12 giờ quan tài Cựu hoàng được rước ra khỏi nhà thờ và hướng đến nghĩa trang Passy trên đồi Trocadéro, Q.16, Paris. Trời Paris bổng trở nên u ám một cách bất thường. Đến khi chuẩn bị hạ huyệt thì lại mưa như thác đổ. Huyệt mộ ngập nước. Phải đợi đến gần 13 giờ trời mới tạnh mưa, người ta múc hết nước dưới huyệt mộ rồi mới táng ông được. Ông vua Nguyễn thứ 13 Bảo Đại được lấp đất đúng vào lúc 13 giờ ngày 6-8-1997.
Cử chỉ vĩnh biệt Cựu hoàng Bảo Đại được che chở dưới hàng chục chiếc dù. Ảnh của ông bà Tào văn Trạch.
Nếu tin con số 13 là con số rất xấu, thì cuộc đời Cựu hoàng Bảo Đại cái xấu ấy phải được nhân lên đến 6 lần. Như vậy có đúng không ? Suốt thời gian ông đảm nhiệm người đứng đầu nhà nước (1932-1945) và (1949-1955), nước Việt Nam trải qua nhiều bước ngoặt lịch sử khắc nghiệt. Nhưng ông không bị Cách mạng Tháng 8-1945 giết như vua Louis 16 trong Cách mạng Pháp 1789. Sau năm 1954, ông bị Ngô Đình Diệm phản bội nghiệt ngã nhưng ông cũng không chết như tên phản bội Juda đã hại Jesus trong Kinh thánh. Năm 1997 ông chết vì bệnh già chứ không phải chết vì ảnh hưởng xấu của bất cứ một con số 13 nào. Như vậy dù dính vào đến 6 con số 13, Cựu hoàng Bảo Đại vẫn là người có nhiều may mắn. Có được như vậy vì ông không tin vào con số 13 hay vì cái tâm của ông đã hóa giải được tất cả những con số xâu ấy? Theo tôi là cả hai.
Gác Thọ Lộc (Huế), 12-2012
Nguyễn Đắc Xuân
- Tọa đàm kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ
- Giới thiệu sách “Giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ - Nhà trí thức yêu nước”
- Tiếng kêu cứu từ thượng nguồn Long Đại
- Học giả Hoàng Xuân Hãn khen ngợi công trình nghiên cứu lăng mộ vua Quang Trung của Nguyễn Đắc Xuân
- Dấu ấn triều đại Tây Sơn qua Dụ Am Ngâm Lục của Phan Huy Ích